Người Ninh Bình sở hữu những đức tính quý báu mà không phải nơi nào cũng có được đó là khéo léo và tinh tế. Cũng chính vì vậy, Ninh Bình là cái nôi của nhiều nghề thủ công nổi tiếng, có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao, trong đó không thể không nhắc tới nghề “thổi hồn” vào đá ở làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình).
Người người làm đá, nhà nhà làm đá
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề Ninh Vân cho biết, lịch sử làng nghề Ninh Vân có tới 400 năm nay. Nghề có lúc thịnh, lúc suy. Thời điểm hiện tại được coi là “vượng” nhất của nghề đá nơi đây. Do đó, cái tên làng đá Ninh Vân nay nổi tiếng cả nước. Ninh Vân vốn là tên gọi chung của hai làng Xuân Vũ và làng Hệ. Trong đó, làng Hệ là nơi khởi đầu nghề điêu khắc đá, nơi còn lưu giữ văn bia ghi công ông Tổ nghề đá.
Qua bàn tay khéo léo của thợ chế tác đá, những hòn đá thô sơ đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Các sản phẩm chạm khắc đá ở nơi đây rất đa dạng, phong phú gồm các loại từ chậu cảnh, cổ bồng, bàn, ghế, sập đến các sản phẩm đá mỹ nghệ trên những công trình lớn như: đình, chùa, lăng mộ, tượng đài, phù điêu.. Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân.
Dọc từ Bắc vào Nam, đâu đâu cũng thấy sản phẩm của những người thợ đá Ninh Vân. Trong đó, không thể không kể đến một số công trình nổi tiếng như: Tượng đài Bà mẹ chiến sỹ ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Tượng đài Thanh niên xung phong (Quảng Trị), tượng Mẹ Suốt (Quảng Bình), tượng Bác Hồ (Nghệ An, Vĩnh Phúc, Sơn La, Vinh), tượng Trần Hưng Đạo (Hải Dương), tượng đài chiến thắng (Điện Biên), quảng trường (Hòa Bình), tượng đài Hoàng Quốc Việt (Bắc Ninh), nhiều hạng mục tại chùa ở quần đảo Trường Sa …
Đến với vùng đất Cố đô Ninh Bình, chúng ta sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm tạc rồng bằng đá, những phù điêu, hoa văn bằng đá sinh động, công phu như Cột kinh chùa Nhất Trụ, Long sàng ở đền Vua Đinh, 500 pho tượng La Hán bằng đá nguyên khối ở chùa Bái Đính, đôi rồng đá ở hai bên tả, hữu tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ… Những tác phẩm nghệ thuật đó phần nào đã thể hiện tài nghệ và sự khéo léo của người nghệ nhân làng Ninh Vân.
Đá Ninh Vân không chỉ “ghi dấu” ở khắp nơi trên cả nước mà còn “xuất khẩu” sang nước ngoài như Campuchia, Lào, Mỹ. Đó là cả một câu chuyện dài của tổ thợ Ninh Vân có tâm với nghề, di chuyển qua biên giới để tạc tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia từ những năm 1989. Đó là cả một kỳ tích khi những người con Ninh Vân định cư tại Mỹ về thăm quê và mang theo những sản phẩm đá mỹ nghệ sang trời Tây bằng đường hàng không.
Suốt hơn 400 năm qua, việc duy trì và phát triển nghề điêu khắc đá ở Ninh Vân chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối. Do đó, các phương pháp chế tác đặc sắc được trao truyền và ngày càng tinh xảo hơn do các nghệ nhân thế hệ sau kế thừa, phát huy và sáng tạo nhiều kỹ thuật chạm khắc đá mới. Cùng với đó, việc ứng dụng máy móc, công nghệ trong thiết kế mẫu mã, chế tác cũng giúp cho thợ đá bớt vất vả hơn.
Phó chủ tịch UBND xã Ninh Vân – ông Đỗ Khắc Cường chia sẻ với Pháp luật Việt Nam, hiện tại, Ninh Vân có 12/13 thôn làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, 60 doanh nghiệp tư nhân và 600 đơn vị chuyên chế tác đá mỹ nghệ. Trong đó, có 2000 thợ chuyên, 1000 thợ bán chuyên và 2000 người từ địa phương khác cũng về Ninh Vân để làm nghề đá. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất dịch vụ làng nghề ước đạt trên 222 tỷ đồng.
Người “thổi hồn” vào đá
Ông Nguyễn Quang Diệu, Trưởng Ban quản lý làng nghề Ninh Vân chia sẻ, người Ninh Vân không sử dụng kỹ thuật đánh bóng, thay màu đá sản phẩm, mà sử dụng nguyên nét mộc mạc của các khối đá. Quy trình chế tác đá truyền thống ở Ninh Vân bao gồm nhiều công đoạn khác nhau. Sau khi được cắt xẻ thành từng hình khối, kích thước, thợ đá tính toán sắp đặt từng chi tiết ráp nối công trình.
Tuy nhiên, các công đoạn chế tác nhiều hay ít, đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào từng loại sản phẩm đá, đá nguyên liệu… Để chế tác được những công trình có giá trị, các nghệ nhân phải có lòng yêu nghề và biết thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Nghệ nhân Đỗ Khắc Thư (thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân) cho biết, có nhiều cách để phân loại đá. Trong đó, cách phân loại phổ biến nhất là chia đá làm 3 loại gồm đá quý, đá bán quý và đá thường. Chất liệu đá được đánh giá cao hơn các chất liệu khác bởi đặc tính vĩnh cửu với thời gian. Một thợ làm đá giỏi phải đảm bảo tiêu chuẩn “4 trong 1” gồm: điêu khắc giỏi, chọn đá giỏi, thợ rèn giỏi (sửa dụng cụ làm đá) và kiến trúc giỏi.
Những nghệ nhân làng Ninh Vân tâm sự trong nghề tạc đá, khó nhất là tạc lãnh tụ. Bởi sản phẩm được ra mắt không chỉ thể hiện hình ảnh của phiên bản gốc từ nét mặt, đôi mắt, vầng trán mà còn phải toát lên “phần hồn”, phong thái lãnh tụ. Có trường hợp, nghệ nhân phải thay đến 6 tảng đá mới chọn được tảng đá có màu sắc và hình khối hợp lý với khuôn mặt của lãnh tụ.
Gặp nghệ nhân Đỗ Khắc Thư, chúng tôi mới cảm nhận thấy những người thợ đá vất vả như thế nào. Ông Thư nổi tiếng ở Ninh Vân vì giỏi kim khí. Cơ duyên của ông đến với nghề đá cũng xuất phát từ đây. Bằng trí óc sáng tạo, ông đã chế tác ra máy rút lọc, một “trợ giúp viên” đắc lực trong nghề đá. Ngày nhận 3 giải thưởng cho sáng chế máy rút lọc, ông Thư chỉ đau đáu một điều, làm sao để loại máy này giúp người tạc đá ở Ninh Vân bớt đi phần nào vất vả.
“Trong suốt mấy chục năm trong nghề, công trình mà tôi ấn tượng nhất là tượng mẹ Việt Nam Anh hùng tại Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Bức tượng cao 70m tính từ mặt đất và có tới gần 300 thợ đá miệt mài làm trong suốt 2 năm trời. Vinh dự là một trong những thợ đá chính làm nên tác phẩm khổng lồ này, tôi càng ý thức rằng phải làm sao để những hòn đá vô tri vô giác trở thành tác phẩm thể hiện sự tôn kính của thế hệ đi sau”, ông Thư chia sẻ.
Hiện, các ngành chức năng tại Ninh Bình đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận nghề đá Ninh Vân thành di sản văn hóa phi vật thể. Từ làng nghề này, các nghệ nhân đã, đang và sẽ để lại cho đời những tuyệt tác đặc sắc bằng đá, trường tồn với thời gian.