Năm 2008, một nhóm các nhà nghiên cứu Gruzia đã mạo hiểm đi sâu vào khu vực công viên quốc gia Borjormi-Kharagauli, một trong những nơi hoang vắng nhất của dãy núi Tiểu Kavkaz, để điều tra một tàn tích cổ đại nằm trên lưng chừng núi.
Mục tiêu của chuyến thám hiểm là khám phá bí ẩn câu chuyện về “khu mộ địa của những người khổng lồ”, mà theo một số người dân địa phương thì họ đã vô tình phát hiện ra khi bị lạc đường trong dãy núi.
Theo như lời kể thì những người nông dân này đã tò mò bước chân vào một hầm mộ cổ bằng đá, nằm kề bên một cấu trúc đổ nát. Thế rồi cả nhóm kinh hoàng khi phát hiện ra hai bộ xương người với kích thước khổng lồ ngồi gục chết ngay trên ghế, bên cạnh một chiếc bàn rất lớn.
Dãy núi Tiểu Kavkaz rất nổi tiếng về sự hẻo lánh và hiểm trở |
Câu chuyện kỳ lạ này sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp vùng. Thời gian chính xác mà những người nông dân kể lại thì không ai còn nhớ, chỉ biết là nhiều năm trước khi những nhà nghiên cứu có mặt tại nơi đây.
Trở lại với chuyến thám hiểm, địa hình hoang vu và cực kỳ hiểm trở của dãy Kavkaz đã tạo ra vô vàn khó khăn gian khổ. Thế nhưng sau rất nhiều nỗ lực, các nhà nghiên cứu cũng tiếp cận được khu vực mà người dân địa phương nói đến.
Họ tìm thấy dấu tích của những công trình cổ xưa đổ nát, và một buồng kín trông như là hầm mộ nằm ngay cạnh đó. Lúc này không hiểu vì lý do gì mà căn hầm đã hoàn toàn sụp đổ.
Trong hầm ngổn ngang những khối đất đá và mảnh vụn. Hai bộ xương của “người khổng lồ” cũng đã bị phá hủy và vùi lấp. Những nhà nghiên cứu quyết định tiến hành đào bới lớp gạch đá và một phần của nền móng căn hầm.
Kết quả là họ thu được một kho tàng đáng kể những mảnh xương rất cao tuổi. Dựa trên các đặc điểm giải phẫu, có thể thấy đó đúng là xương cốt của con người.
Một số mẫu xương người với kích thước khổng lồ được phát hiện trong lần thám hiểm đầu tiên. |
Điều kỳ quái là một số mảnh xương trong đó dường như là quá khổ đối với một con người hiện đại bình thường. Nhóm thám hiểm nhanh chóng thu thập các mẫu vật đáng giá rồi quay trở về Tbilisi (thủ đô của Gruzia) để tiếp tục nghiên cứu.
Tại Tbilisi, những mảnh xương đã được Giáo sư Vekua – một nhà khảo cổ hàng đầu, người nổi tiếng với việc phát hiện chứng tích 1,8 triệu năm tuổi của người vượn Homo Erectus của Gruzia – trực tiếp kiểm tra.
Những báo cáo ban đầu của Giáo sư Vekua cho biết, các mảnh xương đúng là của con người hiện đại, chỉ có điều cơ thể của những người này ít nhất cũng phải cao khoảng 2,5 mét trở lên.
Thật không may, trước khi đưa ra được bất kỳ kết luận nào từ các thử nghiệm đã tiến hành, Giáo sư Vekua đột ngột qua đời mang theo hầu như toàn bộ công trình nghiên cứu còn dang dở.
Những bộ xương khổng lồ bí ẩn cũng bị thất lạc đâu đó trong khu vực bảo tàng lưu trữ quốc gia Gruzia, giữa hàng ngàn hàng vạn mẫu vật xương cốt khác. Từ đó cũng nảy sinh nhiều tranh cãi về các tuyên bố của Vekua liên quan đến câu chuyện “người khổng lồ trong dãy Kavkaz”.
Tháng 6/2014, một nhóm nghiên cứu khác gồm 4 nhà khảo cổ Gruzia cùng với đoàn làm phim đến từ kênh truyền hình khoa học nổi tiếng Science Channel (Mỹ), lại tìm đến Borjomi-Kharagauli với tham vọng tiếp tục khám phá những điều bí ẩn.
Khối đá có chạm khắc khuyên tròn nằm trong một bức tường đổ nát trên đỉnh núi. |
Họ bắt đầu liên hệ lại với những người từng tham gia nghiên cứu trước đây, và cố gắng xin giấy phép để một lần nữa thám hiểm và khai quật lại khu mộ địa.
Lần này có sự tham gia của Bruce Fenton, một nhà nghiên cứu bí ẩn cổ xưa, người rất nổi tiếng với công trình nghiên cứu về cái gọi là “Thành phố đã mất của người khổng lồ” được phát hiện trong rừng sâu Ecuador vào năm 2012.
Sau nhiều tháng trời chuẩn bị, cuối cùng thì chuyến thám hiểm thứ hai đi tìm khu mộ của những người khổng lồ cũng được khởi hành.
Các trang thiết bị nặng nề được chất lên lưng ngựa, còn mỗi thành viên sẽ tự mang tư trang và nhu yếu phẩm của mình. Họ sẽ phải đi một quãng đường hơn 20km, xuyên qua rừng cây rậm rạp và vách núi dựng đứng, cheo leo.
Cần phải biết rằng đây là khu rừng gần như nguyên thủy, với rất nhiều gấu, chó sói, mèo rừng, thậm chí là cả những tay săn trộm có vũ trang và manh động.
Sau khi đi được chừng một nửa, Bruce Fenton bắt đầu để ý thấy nhiều tảng đá được đẽo gọt nằm rải rác khắp nơi. Tại một vài nơi, chúng còn được xếp chồng lên như những bức tường đã đổ nát. Một số tảng nằm dọc bên bờ sông suối, như thể đã bị nước cuốn trôi từ một nơi nào đó phía thượng nguồn.
Bruce cho rằng rất có thể đó là dấu tích của một con đường đã hàng ngàn năm tuổi. Câu hỏi đặt ra là ai đã xây dựng nên những công trình quy mô đó, tại nơi cực kỳ hiểm trở và khó tiếp cận này?
Một công trình xây dựng bằng đá đổ nát được cho là khoảng 2.000 năm tuổi, gần nơi phát hiện ra những bộ xương người khổng lồ. |
Đoàn thám hiểm tiếp tục đi lên theo một dòng sông lớn, hai bên là vách đá dựng đứng có khi cao đến hàng trăm mét. Tiếp theo là một sườn núi rất dốc và lầy lội.
Tại đây một lần nữa lại xuất hiện bằng chứng về con đường cổ xưa, cùng với những công trình xây dựng bằng đá đổ nát khác. Các chứng tích nằm rải rác lên đến tận độ cao 1.850 mét trên đỉnh núi chật hẹp.
Điều này càng củng cố cho giả thuyết về sự tồn tại của một nền văn minh bí ẩn và chưa từng được biết. Có nơi còn nhìn rõ được lối kiến trúc giống như là một nhà thờ hay một pháo đài phòng thủ nhỏ.
Tại một khu vực rộng chừng 150 mét vuông gần đỉnh núi, rất nhiều dấu tích của các bức tường lớn, những cây cổ thụ… Thậm chí còn phát hiện ra một biểu tượng kỳ lạ được chạm khắc tinh xảo trên khối đá lớn, trông giống như một con nòng nọc với phần đầu hình tròn được khắc với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Ngay gần đó là một kiến trúc ngầm trông như hầm mộ, hoặc cũng có thể là một dạng hầm dự trữ như hầm rượu hay lương thực… Không ai biết chính xác.
Chỉ có thể nói chắc chắn rằng tất cả đều (từng) là những công trình do con người xây nên và sử dụng, có điều một số công trình có kích thước to lớn đến bất thường.
Niên đại của những di tích này cũng chưa được xác định. Theo một nhà sử học địa phương thì ước chừng khoảng 1.800-2.200 năm tuổi. Hợp chất kết dính giữa các phiến đá được xác định là tương tự như ở các công trình xây dựng của người La Mã, mặc dù rất ít khả năng có liên quan.
Chuyến thám hiểm thứ hai cũng chưa đem lại được nhiều lời giải đáp. Chủ nhân của những công trình kiến trúc kỳ lạ này vẫn là điều bí ẩn. Các nhà nghiên cứu cũng chưa tìm thêm được bộ xương cốt “của người khổng lồ” nào nữa.
Thế nhưng chuyến đi cũng đã hé lộ về sự tồn tại của một nền văn minh chưa từng được biết, ở một nơi hết sức hẻo lánh và khắc nghiệt với con người.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang khẩn trương xúc tiến một đợt nghiên cứu quy mô và đầy đủ khác. Hy vọng rằng những phát hiện kỳ diệu dành cho tri thức của toàn nhân loại, vẫn đang chờ đợi họ ở phía trước con đường.
Thái Hồ
Nguồn: https://vtc.vn/phat-hien-chan-dong-ve-khu-mo-dia-cua-nguoi-khong-lo-ar191299.html