Bình thức ăn tỏa hương 3.400 năm trong lăng mộ Ai Cập

Bình thức ăn tỏa hương 3.400 năm trong lăng mộ Ai Cập

Bức vẽ trong lăng mộ khắc họa Kha và Merit thờ phụng vị thần của thế giới bên kia, Osiris. Ảnh: Leemage/Corbis

Bức vẽ trong lăng mộ khắc họa Kha và Merit thờ phụng vị thần của thế giới bên kia, Osiris. Ảnh: Leemage/Corbis

Hơn 3.400 năm sau khi hai người Ai Cập cổ đại yên nghỉ, những bình đựng thức ăn dùng để nuôi dưỡng linh hồn vĩnh cửu của họ vẫn tỏa mùi hương. Một nhóm nhà hóa học và nhà khảo cổ tiến hành phân tích những mùi này nhằm xác định rõ các thành phần trong bình, Nature hôm 1/4 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of Archaeological Science.

Việc phát hiện lăng mộ còn nguyên vẹn của kiến trúc sư Kha cùng vợ, Merit, ở nghĩa địa Deir el-Medina gần Luxor năm 1906 là cột mốc đáng chú ý với các nhà Ai Cập học. Lăng mộ của họ là mộ cổ không thuộc hoàng gia hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở Ai Cập, hé lộ thông tin quan trọng về cách những người địa vị cao được đối xử sau khi chết.

Một điều kỳ lạ vào thời điểm đó là nhà khảo cổ phát hiện lăng mộ không mở xác ướp hay xem xét bên trong các bình và lọ đậy kín, kể cả sau khi chúng được chuyển đến Bảo tàng Ai Cập ở Turin, Italy. Thứ đựng bên trong nhiều chiếc bình vẫn còn là một bí ẩn và chỉ có một số manh mối. “Khi nói chuyện với các quản lý bảo tàng, chúng tôi được biết có một ít mùi trái cây trong các bình trưng bày”, Ilaria Degano, nhà hóa phân tích tại Đại học Pisa (Italy), cho biết.

Degano cùng đồng nghiệp đặt nhiều hiện vật, trong đó có những chiếc bình đậy kín và cốc không đậy chứa thực phẩm cổ xưa đã phân hủy, vào trong túi nhựa vài ngày để thu thập những phân tử dễ bay hơi bốc lên. Sau đó, nhóm chuyên gia sử dụng khối phổ kế nhằm xác định thành phần mùi hương của từng mẫu.

Họ tìm thấy các aldehyde và hydrocarbon chuỗi dài – dấu hiệu của sáp ong, trimethylamine gắn liền với cá khô và các aldehyde khác thường gặp trong trái cây. “2/3 số hiện vật đã mang lại kết quả. Đó là một bất ngờ thú vị”, Degano chia sẻ.

Một trong những chiếc bình được phân tích bằng khối phổ kế. Ảnh: J. La Nasa et al./Journal of Archaeological Science.

Một trong những chiếc bình được phân tích bằng khối phổ kế. Ảnh: J. La Nasa et al./Journal of Archaeological Science.

Phát hiện mới sẽ phục vụ cho một dự án lớn hơn. Mục tiêu của dự án là phân tích lại lăng mộ và tạo ra một bức tranh toàn diện hơn về phong tục mai táng cho những người không thuộc hoàng gia trong giai đoạn Kha và Merit qua đời, khoảng 70 năm trước khi Tutankhamun lên ngôi.

Đây không phải lần đầu tiên mùi hương giúp hé lộ thông tin quan trọng về Ai Cập cổ đại. Năm 2014, các nhà nghiên cứu chiết xuất những phân tử dễ bay hơi từ băng vải có niên đại 5.000 – 6.300 năm dùng để quấn hài cốt trong một số nghĩa địa Ai Cập cổ. Điều này giúp xác nhận sự hiện diện của các chất ướp xác với đặc tính kháng khuẩn, cho thấy người Ai Cập đã thử nghiệm ướp xác sớm hơn 1.500 năm so với những gì giới khoa học từng nghĩ.

Phân tích mùi là lĩnh vực khảo cổ chưa được khám phá sâu rộng, theo Stephen Buckley, nhà khảo cổ kiêm nhà hóa phân tích tại Đại học York (Anh), thành viên nhóm nghiên cứu năm 2014. “Các nhà khảo cổ từng bỏ qua những chất dễ bay hơi vì cho rằng chúng sẽ biến mất khỏi hiện vật. Nhưng nếu muốn hiểu người Ai Cập cổ đại, bạn sẽ thực sự muốn đi sâu vào thế giới của mùi hương”, ông nói.

Thu Thảo (Theo Nature)

Nguồn: https://vnexpress.net/binh-thuc-an-toa-huong-3-400-nam-trong-lang-mo-ai-cap-4447067.html

5/5 - (7 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0982.583.000