Lăng mộ hé lộ cuộc đời nữ tể tướng thân cận với Võ Tắc Thiên
Khi Bảo tàng Khảo cổ học Thiểm Tây mở cửa đón khách hồi đầu năm, điểm thu hút nhiều sự chú ý nhất là bia mộ 1.000 năm tuổi làm từ đá vôi, rộng 74 cm và dày 15,5 cm, chạm khắc tinh xảo hoa mẫu đơn, kim ngân và những con vật được coi là điềm lành trong văn hóa Trung Quốc.
Ở giữa là văn bia 982 ký tự tưởng nhớ Thượng Quan Uyển Nhi, đại thần trong triều đình Võ Tắc Thiên ở thế kỷ thứ 7, cũng là một trong những phụ nữ nổi bật nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Nữ diễn viên Như Bình thủ vai Thượng Quan Uyển Nhi trong bộ phim Võ Tắc Thiên công chiếu năm 1995. Ảnh: Baidu
Thượng Quan Uyển Nhi sinh năm 664 tại Sơn Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc ngày nay. Theo truyền thuyết, mẹ của bà là Trịnh thị, trước khi sinh con mơ thấy một người khổng lồ đưa cho một cái cân và phán: “Hãy cầm lấy cái này và bình lượng nhân sĩ trong thiên hạ”.
Vì câu nói này mà Trịnh thị cho rằng đứa trẻ sẽ là con trai, mang tài năng phi thường. Tuy nhiên, bà không vui khi đứa trẻ sinh ra là con gái, kèm lời tiên đoán trở thành “sức nặng” đo lường nhân sĩ thiên hạ.
Phụ thân cùng ông nội của Thượng Quan Uyển Nhi đều làm quan trong triều nhà Đường, nhưng bị thái hậu Võ Tắc Thiên bức chết. 10 năm sau, Thượng Quan Uyển Nhi được Võ Tắc Thiên đưa vào triều, để bà ngồi cạnh trong các cuộc họp quan trọng, ghi chép nội dung.
Khi quyền lực của Võ Tắc Thiên ngày một lớn mạnh, bà bổ nhiệm Thượng Quan Uyển Nhi phụ trách đội nữ quan, giao soạn chiếu thư, cho phép tham gia công việc quân sự và triều chính.
Võ Tắc Thiên nắm quyền lực tối cao trong gần 50 năm, từ 656 tới 705. Đây là kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc, khi phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng trong triều đình và Thượng Quan Uyển Nhi trở thành tể tướng. Con gái Võ Tắc Thiên là Công chúa Thái Bình cũng có ảnh hưởng to lớn trong triều.
Những bức tranh tường được phát hiện trong lăng mộ các cháu nội của Võ Tắc Thiên là Công chúa Vĩnh Thái, Công chúa Phòng Lăng, Công chúa Tín Thành cho thấy phụ nữ quý tộc thời đó thường đi dạo, ca hát, nhảy múa bên ngoài, tham gia các hoạt động như săn bắn, chạy nhảy. Họ thường búi tóc cao, cài trâm đính tua rua, mặc trang phục để hở nửa ngực.
Đôi khi họ mặc Hồ phục, trang phục của người Hồ chứ không phải người Hán, với tay áo hẹp, đi lại như nam giới. Họ cũng uống rượu, làm thơ trong tửu lâu, tháp tùng phụ thân hay anh trai tới vùng biên. Họ có thể làm mọi hoạt động mà phụ nữ quý tộc thời Tống, Minh và Thanh không thể làm.
Di chỉ khảo cổ lăng mộ Thượng Quan Uyển Nhi ở tỉnh Thiểm Tây năm 2013. Ảnh: Sohu
Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc sau này hiếm khi ghi nhận Thượng Quan Uyển Nhi vì sự tháo vát hay tài năng của bà, mà chỉ nhấn mạnh vào chi tiết bà là người đẹp ưa xu nịnh, cùng đồn đoán có chung tình nhân với Võ Tắc Thiên và những câu chuyện đấu đá trong cung.
Một số nhà văn nổi tiếng thường mổ xẻ về mối quan hệ giữa Thượng Quan Uyển Nhi và Công chúa Thái Bình, hai phụ nữ quyền lực có tuổi đời ngang nhau trong triều đại Võ Tắc Thiên, khiến nhiều người có ấn tượng hai người ghét nhau. Nhiều người cho rằng Công chúa Thái Bình đã gây ra cái chết của Thượng Quan Uyển Nhi.
Mãi tới khi một lăng mộ lớn được phát hiện gần sân bay Hàm Dương ở thủ phủ Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào tháng 6/2013, lịch sử về Thượng Quan Uyển Nhi, người phụ nữ nổi tiếng triều Đường ở Trung Quốc, mới dần hé lộ.
Lăng mộ dài 36,5 mét, sâu 10,2 mét, bao gồm nhiều lối đi, 5 thiên kính (kính trời) bao quanh các mảnh sân, 5 lỗ thông thiên, 4 hốc, đường hầm và một hầm mộ. 9 chữ khắc trên văn bia cho hay đây là nơi an táng Thượng Quan Uyển Nhi.
Nhóm khảo cổ học vô cùng vui mừng, nhưng nhanh chóng thất vọng vì hầm mộ trống rỗng, không có bất kỳ dấu vết về quan tài hay hài cốt nào. Các vết tích cho thấy hầm mộ không bị trộm đột nhập, mà bị đào bới theo lệnh của triều đình không lâu sau khi Thượng Quan Uyển Nhi được chôn cất.
Từ khi Võ Tắc Thiên qua đời năm 705 tới khi cháu trai Lý Long Cơ lên ngôi Đường Huyền Tông năm 712 là quãng thời gian loạn lạc. Khi con trai thứ ba của Võ Tắc Thiên là Đường Trung Tông qua đời năm 710 sau 5 năm lên ngôi, nhiều tin đồn cho rằng ông bị chính vợ mình là Ngụy hoàng hậu đầu độc.
Sử sách cho rằng Thượng Quan Uyển Nhi đã đứng về phe Ngụy hoàng hậu và con gái, công chúa An Lạc. Vài tuần sau khi Đường Trung Tông chết, Lý Long Cơ đem quân thực hiện cuộc chính biết, giết Thượng Quan Uyển Nhi.
Tuy nhiên, nội dung trên văn bia ở lăng mộ lại kể câu chuyện khác. Sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, Thượng Quan Uyển Nhi đã 4 lần khuyên nhủ Đường Trung Tông không nên để Ngụy hoàng hậu và An Lạc công chúa nắm quyền. Bà cố gắng phản đối bằng nhiều phương thức như từ quan, cạo đầu, uống thuốc độc.
Khi Thượng Quan Uyển Nhi suýt chết, Đường Trung Tông ra lệnh tìm đại phu giỏi cứu chữa, đưa bà từ cõi chết trở về. Điều này cho thấy sự thật khác hẳn đồn đoán lâu nay rằng Thượng Quan Uyển Nhi là đứng về phe Ngụy hoàng hậu.
Hiện chưa rõ lý do Lý Long Cơ giết Thượng Quan Uyển Nhi. Một số người cho rằng ông muốn chấm dứt quyền lực mà bà nắm giữ từ thời Võ Tắc Thiên, nhưng những người khác nhận định ông muốn làm suy yếu vây cánh của Thái Bình Công chúa và dọn đường cho bản thân đăng cơ.
Chân dung Thượng Quan Uyển Nhi. Ảnh: Sohu
Câu chuyện khắc trên bia mộ Thượng Quan Uyển Nhi không giải thích vấn đề này. Tuy nhiên, nó mang tới góc nhìn mới, rõ ràng hơn về một phần quan trọng khác trong cuộc đời bà, đó là mối quan hệ với Thái Bình Công chúa.
Trước khi Lý Long Cơ đảo chính, phụ thân của ông, con trai thứ tư của Võ Tắc Thiên là Lý Dân lên ngôi một thời gian ngắn, lấy hiệu là Đường Duệ Tông, mở ra một thời kỳ ổn định.
Việc Công chúa Thái Bình phụ trách an táng Thượng Quan Uyển Nhi và cho khắc văn bia ca ngợi tài năng, trí tuệ, đức hạnh của bà, cho thấy mối quan hệ giữa hai người thân thiết hơn nhiều các câu chuyện trong dã sử Trung Quốc.
Hai năm sau, vào năm 712, Lý Long Cơ tiến hành chính biến, buộc hoàng đế Duệ Tông thoái vị, giết chết Thái Bình công chúa và vây cánh, tự xưng là hoàng đế thứ 7 của nhà Đường.
Các nhà khảo cổ học như Lý Minh, người dẫn đầu nhóm khai quật lăng mộ Thượng Quan Uyển Nhi, tin rằng hầm mộ của bà bị đào xới sau khi Lý Long Cơ lên ngôi. Di sản mà bà để lại cũng bị bôi nhọ trong sử sách triều Đường.
Hồng Hạnh (Theo Sixth Tone)
Nguồn: https://vnexpress.net/lang-mo-he-lo-cuoc-doi-nu-te-tuong-than-can-voi-vo-tac-thien-4506134.html