Nhọc nhằn làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân – Ninh Bình

Chúng tôi đến xã Ninh Vân, vùng đất vẫn thường được gọi là làng nghề chế tác đá Ninh Vân thuộc huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vào một ngày hè nắng nóng. Rải suốt đường vào làng, ngổn ngang nhiều khối đá lớn từ các mỏ chuyển về, đan xen là các sản phẩm đủ thể loại đã hoàn thành hoặc đang làm dở.

Nhọc nhằn làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Ninh Bình
Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân luôn mang vẻ độc đáo. Ảnh: ĐỨC LAM

Thấp thoáng sau làn bụi mờ, trong âm thanh đanh chát của tiếng búa, tiếng đục, tiếng cưa xẻ là những người thợ và nghệ nhân làng nghề mải mê làm việc. Dưới bàn tay tài hoa của họ, những khối đá lớn, trơ trụi dần ” biến hóa” thành những tác phẩm nghệ thuật và sản phẩm gia dụng.

Những gia đình cha truyền, con nối

Ngay cả những nghệ nhân cao tuổi nhất cũng không biết làng nghề chế tác đá Ninh Vân (xã Ninh Vân) có từ bao giờ, chỉ biết ở một số bia đá và tư liệu cổ có nhắc đến nghề đá Ninh Vân. Có lẽ làng nghề có tuổi đời khoảng hơn 400 năm với sản phẩm nổi tiếng là những chiếc cối đá đủ loại và các sản phẩm đá trong kiến trúc đền, đình, chùa. Từng có một thời hoàng kim khi sản phẩm đá Ninh Vân đi khắp các địa phương và các nghệ nhân, thợ đá làng nghề được nhiều nơi mời gọi. Thế rồi, sau những biến động thăng trầm của lịch sử, chiến tranh liên miên, làng nghề gặp nhiều khó khăn và nghề đá có phần mai một khi những nghệ nhân, thợ đá có tay nghề cao cùng các bí quyết nghề nghiệp cứ ít dần theo năm tháng. Hơn 20 năm trở lại đây, khi đất nước chuyển mình đổi mới, hội nhập quốc tế, kinh tế phát triển, nhiều công trình được xây dựng, nhu cầu tăng cao cùng sự năng động đổi mới sản phẩm, tìm hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của những người làm nghề tâm huyết, làng nghề điêu khắc đá của vùng đất cố đô đã dần hồi phục và ngày càng thịnh vượng, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Hiện tại, Ninh Vân có khoảng hơn 1.600 gia đình với 600 tổ hợp và hơn 80 doanh nghiệp làm nghề chế tác đá. Mười thôn trong xã đều đã được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Mỗi cơ sở chế tác đá tùy theo quy mô phải có ít nhất từ sáu đến bảy thợ làm việc. Phần lớn là nhân công tại chỗ của địa phương, chiếm hơn 83% số lao động trong toàn xã, song cũng có nhiều thợ là người từ các xã trong tỉnh và ở các địa phương khác trong cả nước đến làm việc với số lượng có lúc lên đến hơn ba nghìn người. Tổng doanh thu từ nghề đá của xã trung bình khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Cho đến nay, việc duy trì và phát triển nghề chế tác, điêu khắc đá ở Ninh Vân chủ yếu theo hình thức cha truyền con nối, tại làng nghề có rất nhiều gia đình nhiều đời làm nghề. Cũng vì thế, các cách chế tác đặc sắc mang lại đặc trưng của sản phẩm đá Ninh Vân phần nào được giữ gìn, trao truyền và ngày càng tinh xảo hơn do các nghệ nhân, thợ đá thế hệ sau đã biết phát huy, tìm tòi sáng tạo nhiều kỹ thuật chạm khắc đá mới, không ngừng đổi mới sản phẩm, phù hợp thị hiếu đương thời, gắn với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong thiết kế mẫu mã, dùng máy móc hiện đại trong quá trình chế tác giúp cho thợ đá đỡ tốn sức và làm nhanh hơn.

Các nghệ nhân và thợ đá làng nghề Ninh Vân có thể chế tác đa dạng các sản phẩm, từ những sản phẩm mỹ nghệ đơn giản như công cụ sản xuất nghề nông, bình hoa, cấu kiện trong các công trình kiến trúc nhà ở, đình, đền, chùa cho đến các tượng đài lớn. Các công đoạn chế tác ngày càng chuyên nghiệp và được chuyên môn hóa ở từng khâu, từng quy trình và sản phẩm. Có những cơ sở chỉ chuyên lo về nguyên liệu, chọn lựa, nhập và vận chuyển đá khai thác từ các mỏ đá trong cả nước về làng, cơ sở khác thì tập trung gia công, xử lý đá thô ban đầu… Phân chia theo sản phẩm thì có các nhóm gia đình, các cơ sở, doanh nghiệp chuyên làm sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày; có nhóm chuyên chạm khắc đá mỹ nghệ như phù điêu đá, đài phun nước, con giống đá; rồi có nhóm chế tác các lăng mộ đá, đồ thờ bằng đá, cuốn thư đá và cả những nhóm chuyên sâu, phối hợp các nghệ sĩ điêu khắc thực hiện các tượng đài và tác phẩm nghệ thuật đá,…

Chúng tôi tìm đến nhà ông Đỗ Đình Vượng, một gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề chế tác đá ở thôn Xuân Phúc. Bữa trưa tươm tất đã được cô con dâu dọn ra bên chái nhà rợp mát dưới giàn mướp trĩu quả chờ đợi, nhưng hai bố con ông Vượng vẫn mải miết gọt, giũa, xe bóng đôi lộc bình đá kích cỡ khá lớn, cao vượt đầu người ngoài sân. Đưa bàn tay phủ trắng bụi đá gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, ông Vượng vui vẻ tiếp chuyện, tay vẫn không ngừng làm việc. Ông bảo, nghề chế tác đá vất vả, gian nan lắm. Muốn có một sản phẩm ưng ý phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu. Để theo đuổi và sống được với nghề, điều quan trọng trước hết là phải có niềm đam mê, yêu đá, yêu nghề.

Gia đình ông đã bốn đời gắn bó với nghề chế tác đá. Bí quyết các cụ truyền lại chỉ là các kỹ thuật cơ bản với cái búa và cây đục, bàn xoay để làm những dụng cụ đơn giản như cối giã, cối xay, con lăn, trục lúa phục vụ nghề nông. Thế nhưng, các cụ rèn nghề rất kỹ, có khi chỉ một tư thế ngồi đục, một kỹ thuật nhỏ thôi mà bắt làm đi, làm lại đến thuần thục thì thôi. Ông Vượng bộc bạch: “Hồi nhỏ khi mới chín, mười tuổi mới học nghề, mình thấy rất khó chịu, song sau này mới thấy hết ý nghĩa dạy dỗ của các cụ. Đó không chỉ là dạy nghề mà còn là dạy tính, dạy làm người nữa. Ông nội mình, rồi bố mình lúc ấy vẫn thường nhắc nhở: Nghề này không thể thiếu tính kiên nhẫn, bền chí và cả sự tỉ mẩn nữa. Nghề nuôi mình thì mình phải sống chết, toàn tâm, toàn ý với nó, không thể cẩu thả, xuê xoa được. Ở các nghề khác, sản phẩm bị lỗi, bị sai, có thể sửa được, chứ làm đá mà sai thì coi như bỏ”.

Chăm chỉ và yêu nghề cũng từ những dạy bảo của những nghệ nhân thế hệ trước, ông Vượng đã trở thành một thợ đá giỏi của Ninh Vân. Ông từng theo phường thợ trong làng đi làm nhiều công trình tượng đài bằng đá trong cả nước. Nối nghiệp gia đình, cậu con trai của ông là Đỗ Đình Phúc cũng theo nghề chế tác đá và theo bố lăn lộn ở nhiều công trình. Cậu kể: “Em bắt đầu học nghề từ chuyến theo bố và các bác trong làng ra Thủ đô Hà Nội để tham gia thực hiện công trình tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của nhà điêu khắc Vũ Đại Bình. Hồi ấy, em chỉ quanh quẩn xem, phụ giúp bố và các bác làm, rồi thấy thích, thấy mê và theo nghề từ bấy đến nay”. Không như các thế hệ đi trước, Phúc được đào tạo bài bản hơn khi cậu từng theo học khóa đào tạo thợ đá mỹ nghệ của Trường cao đẳng mỹ nghệ Nam Định. Phúc cho biết: “Thế hệ những thợ đá trẻ như em có thế mạnh là hiểu và áp dụng công nghệ chế tác mới nhanh hơn, song vẫn phải có những kỹ thuật trao truyền của cha ông thì mới có được những sản phẩm độc đáo và mang nét đặc trưng của làng nghề Ninh Vân”.

Ông Đỗ Văn Quảng, một nghệ nhân của Ninh Vân cũng theo nghề từ nhỏ kiểu “cha truyền, con nối”, bộc bạch: “Trước đây, ông tôi nuôi bố tôi bằng nghề chế tác đá, đến bố tôi cũng vậy và bây giờ là tôi cũng nuôi đàn con nhỏ lớn khôn, trưởng thành bằng nghề truyền thống”. Tuy rất tự hào về nghề cha ông truyền lại, nhưng ông Quảng cũng khá nhạy bén, tự tìm tòi, học hỏi và phát huy, sáng tạo để trở thành một trong những nghệ nhân giỏi của làng nghề chuyên thực hiện các sản phẩm ở những công trình trùng tu, xây mới đình, đền, chùa, nhà thờ. Không chỉ thể hiện được những kỹ thuật tinh xảo trong từng hoa văn trên đá, ông còn có thể tư vấn cho cả khách hàng những kinh nghiệm về sản phẩm sao cho phù hợp với từng thời kỳ. Có lần thực hiện trùng tu một di tích thời Lý – Trần, ông đã khuyên ban quản lý loại bỏ hình rồng trang trí trên phù điêu theo kiểu thời Hậu Lê để đưa vào những hình rồng mềm mại đặc trưng thời Lý – Trần. Để có được những tư vấn như vậy, theo ông Quảng, bên cạnh vốn kinh nghiệm, ông đã phải tự tìm đọc, tự bổ túc kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Cũng giống như bố con ông Vượng, ông Quảng, nhiều nghệ nhân, thợ đá làng nghề Ninh Vân đã và đang vượt qua những khó khăn, biết giữ và phát huy nghề của cha ông.

Nhọc nhằn làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân - Ninh Bình

Thợ đá Công ty CP xuất nhập khẩu đá mỹ nghệ Ninh Bình chế tác sản phẩm.

Để làng nghề vươn xa

Những năm vừa qua, sự phát triển của nghề chế tác đá Ninh Vân đã góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để làng nghề vươn xa hơn, nâng cao hơn giá trị sản phẩm, cần nhiều biện pháp tích cực hơn nữa. Bên cạnh việc nghiên cứu tìm hiểu các giá trị văn hóa của các sản phẩm làng nghề, cần đánh giá đúng về thực tiễn sản xuất để có thể hoạch định phương hướng và giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của làng nghề. Trên thực tế, làng nghề chế tác đá Ninh Vân vẫn đang hoạt động sản xuất thiếu tập trung, mang tính tự phát; chưa mở rộng sản phẩm sang lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch phát triển cụ thể và sự liên kết cần thiết để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu đá mỹ nghệ Ninh Bình (Ninh Bình Stone) Lê Ngọc Tùng, sự liên kết của các doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây cũng là những cầu nối rút ngắn khoảng cách giữa người tiêu dùng, giới mỹ thuật điêu khắc với các nghệ nhân và người thợ đá. Những đơn vị như Ninh Bình Stone đang nỗ lực liên kết các hộ sản xuất cá thể thành một nhóm hay một hợp tác xã có năng lực sản xuất quy mô hơn, lớn mạnh hơn, nhằm giúp thương hiệu đá mỹ nghệ Ninh Vân đi xa hơn.

Chung tay giải quyết những vấn đề khó khăn mà làng nghề đang phải đối mặt, UBND xã Ninh Vân đã thành lập Ban quản lý làng nghề và UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã phê duyệt dự án thành lập làng nghề tập trung với diện tích 23 ha. Đến nay, khu làng nghề tập trung đã hoàn thành giai đoạn 1 với diện tích 11 ha, đưa 69 cơ sở, hộ sản xuất đá mỹ nghệ, trong đó có 19 doanh nghiệp vào hoạt động tại đây. Tuy nhiên, việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các thợ chế tác đá cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng tay nghề với sự giúp đỡ hiệu quả của các nghệ nhân. Sự kết hợp giữa nhiều thế hệ lao động không những sẽ giúp làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn duy trì và phát huy được thế mạnh của những kỹ thuật truyền thống và vai trò quan trọng của các nghệ nhân.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự năng động sáng tạo của nghệ nhân, thợ nghề và doanh nghiệp, chắc chắn làng nghề chế tác đá Ninh Vân sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa nghề truyền thống, phát triển du lịch và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

5/5 - (35 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0982.583.000